Đặc biệt trong những ngày gần đây, truyền thông nước ngoài thường miêu tả tình hình Việt Nam với những quan điểm thể hiện sự hồ nghi bằng các từ: "tương lai không chắc chắn," "khủng hoảng chuyển giao quyền lực," "nguy cơ bất ổn chính trị." Chúng ta đều biết rằng, truyền thông phương Tây đều có lập trường quan điểm riêng của họ, khi bày tỏ quan điểm về tình hình chính trị xã hội không chỉ ở Việt Nam, mà còn đối với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) nói chung.
Thực tế, câu hỏi về "khủng hoảng chuyển giao quyền lực" không phải là mới. Trong những năm gần đây, một số bạn bè cả trong nước và quốc tế vẫn đặt câu hỏi này. Tôi nhận thấy, mỗi cách đặt vấn đề của những người hỏi đều hàm ý các định nghĩa rất khác nhau về thế nào là "khủng hoảng chuyển giao."
Từ quan sát chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế, tập trung vào các nền kinh tế APAC, thì cá nhân tôi vẫn kiên trì quan điểm: Xác suất diễn ra "khủng hoảng chuyển giao quyền lực" ở Việt Nam là rất thấp. Sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ tạo ra khoảng trống rất khó lấp đầy đối với đời sống chính trị - xã hội Việt Nam. Cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một chính trị gia, một nhà cải cách có sức ảnh hưởng lớn đến cán cân quyền lực trong chính trị nội bộ Việt Nam, mà còn ngay cả đối với vùng Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Vì sao tôi giữ vững quan điểm xác suất khủng hoảng chính trị ở Việt Nam là rất thấp?
Lí do 1: Vấn đề thể chế hóa, luật hóa.
Trải qua khoảng 13 năm và 3 kỳ đại hội Đảng, chúng ta hầu như thường nghe nhiều đến cụm từ "cuộc đốt lò vĩ đại." Ngay cả báo chí Tây phương khi nhắc về di sản của Cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh điều đó.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Di sản lớn nhất của Cố tổng bí thư chính là công cuộc Cải cách phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hoàn thiện chỉnh đốn Đảng, và trong sạch hóa hệ thống chính trị. Các cải cách này được thể hiện thông qua quá trình thể chế hóa, cụ thể hóa bằng luật pháp. "Đốt lò" chỉ đơn giản là biểu hiện của sự cải cách đó mà thôi.
Cần ghi nhớ rằng, bản chất các điều lệ và quy định chuẩn hóa trong tổ chức Đảng rất khó thay đổi. Điều này hoàn toàn khác với chủ trương chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; vốn có thể thay đổi qua các đời kỳ lãnh đạo. Do đó, tương lai chính trị Việt Nam chính là sự tiếp nối của các chủ trương đó.
Sự tiếp nối về ý thức hệ sẽ hạn chế rủi ro về khủng hoảng tư tưởng trong nội bộ đảng. Đây là nét đặc trưng rất khác của khái niệm "Đảng" ở Việt Nam hay Trung Quốc; không giống như quan niệm "đảng phái chính trị" như ở Hoa Kì, hay Thái Lan.
Lí do 2: Duy trì tính chính đáng cầm quyền của Đảng
"Công cuộc đốt lò" được xem là biểu tượng về tính chính đáng cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, duy trì lòng tin của người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay với vấn đề cải cách thu nhập, giảm bất bình đẳng.
Trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo hiện nay, thì lại càng nhấn mạnh mục tiêu duy trì tính chính danh và uy tín của Đảng. Hay nói cách khác, "công cuộc đốt lò" sẽ vẫn tiếp diễn. Ở mức độ nào thì hãy để tương lai trả lời.
Lí do 3: Sự phù hợp với chu kỳ kinh tế
Phương thức lãnh đạo của Đảng và quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam luôn tồn tại mối liên kết chặt chẽ.
Giai đoạn trước đại hội XI (từ 2000 - 2011) là giai đoạn Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển kinh tế tư bản tư nhân, cho phép Đảng viên làm kinh tế. Đây cũng là giai đoạn nền kinh tế gia tăng đòn bẩy tài chính (leveraging), gây ra một số hệ lụy và biến tướng trong quan hệ chính trị - xã hội.
Từ sau Đại hội XII (2016), mục tiêu chuyển hướng về trong sạch, lành mạnh hóa tổ chức Đảng; đây cũng là thời điểm chiến dịch "Đốt lò" nóng lên. Đây cũng là thời điểm mà tốc độ tăng trưởng tín dụng nội địa (domestic credit growth) của Việt Nam bắt đầu giảm. Hay nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn giảm đòn bẩy (deleveraging).
Trong các bài viết về kinh tế Trung Quốc của tôi đã đăng trước đây, thì chúng ta có thể thấy Việt Nam cũng phải trải qua các giai đoạn tương tự.
Lí do 4: Đặc thù quan hệ chính trị nội bộ Đảng
Về truyền thống thì chính trị Việt Nam có đặc trưng mang tính đồng thuận nội bộ cao. Khác với đặc thù chính trị các nước như Thái Lan, Hoa Kỳ mang tính bất ổn mâu thuẫn chính trị luôn diễn ra thường trực, công khai. Rủi ro khủng hoảng chuyển giao cũng vì thế sẽ thấp hơn.
Lí do 5: Điều kiện khách quan tình hình thế giới đòi hỏi ưu tiên hàng đầu mục tiêu ổn định chính trị nội bộ
Trung Quốc, kể từ 2016 đến nay, vẫn đang trong giai đoạn giảm đòn bẩy, chủ trương "Thịnh vượng chung, Phát triển chất lượng cao" của Tập Cận Bình vẫn ở ngã ba đường, chưa có kết quả cụ thể. Do đó, đối với Việt Nam, giải pháp hợp lý là duy trì sự ổn định nội bộ, và quan sát chặt chẽ tiến trình này của Trung Quốc, vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến định hướng phát triển tương lai của Việt Nam.
Hoa Kỳ: ngay cả khi Trump quay lại Nhà Trắng và phe Cộng hòa lại chiếm đa số Thượng viện, thì quá trình này cũng chỉ kéo dài 4 năm. Do đó, các cam kết, đảm bảo của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng sẽ rất khó đoán định sau 2028.
2024 là năm gần như các nền kinh tế quan trọng bước vào mùa bầu cử. Với những biến động đang diễn ra ở châu Âu và Hoa Kỳ; thì Việt Nam càng phải giữ vững mục tiêu ổn định chính trị.
Trong khu vực Indo-Pacific, Việt Nam vẫn sự lựa chọn lý tưởng của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài. Dữ liệu lịch sử cho thấy: Rủi ro biến động chính trị ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nền kinh tế khác, nó cũng không gây ra gián đoạn về chuỗi cung ứng như bất ổn chính trị ở các nước khác. Hiện tại, Việt Nam vẫn có những ưu thế nhất định so với các nước như Indonesia, Ấn Độ (về đặc thù thị trường lao động Ấn Độ thì tôi đã có đăng tải trên Facebook).
Trong những năm qua, giới chức lãnh đạo Việt Nam cũng đã thực hiện hàng loạt chuyến công du để tái khẳng định cam kết của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là đối với các đối tác quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Do đó, việc chuyển giao quyền lực ở Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không mấy tác động lên xu hướng dài hạn của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhưng cũng chỉ trong ngắn hạn - Điều này cũng không phải là mối lo ngại lớn vì bản chất dòng FPI luôn có xu hướng nhạy cảm với các biến động như vậy.
Bài đăng gốc trên Facebook stories 19/07/2024.
Toẹt vời. ❤️❤️❤️