Donald Trump có gì cho Việt Nam ở nhiệm kỳ II (nếu có)?
Khi Trump khơi mào trận thương chiến Trung - Mỹ đầu tiên vào 2018, Việt Nam sớm trở thành "ngôi sao sáng nhất" nếu xét về khía cạnh manufacturing hub.
Tuy nhiên, giờ đây, nếu có thương chiến Trung - Mỹ lần 2, ngoài Việt Nam, đã xuất hiện Mexico, và Ấn Độ. Miếng bánh sẽ phải chia sẻ. Mặt khác, xem xét điều kiện địa chính trị, so với hai quốc gia kia, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn.
Đối với một số quốc gia Đông Á có quan hệ thương mại chặt chẽ với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản; chính quyền Trump cũng sẽ tạo ra những áp lực nhất định. Ví dụ, Hàn Quốc vẫn liên tục ghi nhận thặng dư thương mại đáng kể với Hoa Kỳ, trong khi giá trị nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Hàn Quốc lại chưa có sự cải thiện. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam.
Chính sách bảo hộ công nghiệp trong nước mà Trump và đảng Cộng hòa cam kết với cử tri, hiệp hội trong nước cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực với Việt Nam. Nhiều khả năng, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam sẽ được áp dụng.
Như đã viết ở Facebook story vài tháng trước, việc xem xét nâng quy chế thương mại của Việt Nam từ “nền kinh tế phi thị trường” lên “nền kinh tế thị trường” thì khả năng đến 99% là chính quyền Biden đã đá quả bóng trách nhiệm sang cho chính quyền sau. Do đó, chính quyền Trump cũng sẽ rơi vào thế khó xử khi phải đối mặt với áp lực từ sự phản đối của Quốc hội Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cũng như từ phe ưu tiên chính sách bảo hộ thương mại trong nước.
Mới đây, việc Trump tuyên bố sẽ bãi bỏ "lệnh bắt buộc sử dụng xe điện" cũng sẽ gây hoang mang cho ngành công nghiệp này, trong đó có Vinfast.
Nếu phương pháp của Biden là nearshoring/friendshoring, thì Trump là onshoring. Việc đảo ngược, bãi bỏ các chính sách khuyến khích friendshoring dưới thời Biden cũng sẽ là thiệt thòi cho Việt Nam.
Tuy nhiên, khả năng cao là Trump sẽ khó có thể leo thang căng thẳng về chính sách bảo hộ thương mại như ở lần 1 vào năm 2018. Vì sao?
Thứ nhất, thương chiến 2018 căng thẳng và gây thiệt hại cho nước Mỹ là một trong những lí do khiến Trump mất phiếu ở kỳ bầu cử 2020. So sánh với 4 năm của Joe Biden, cường độ căng thẳng thương mại với Trung Quốc không hề kém hơn Trump, nhưng không phải là vấn đề lớn đối với Biden.
Bởi vì chính quyền Biden đã tung ra liên tục các chính sách: Inflation Reduction Act, CHIPS Act, American Rescue Plan, và mở rộng chính sách bảo hiểm Affordable Care Act để xoa dịu người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, ở giai đoạn 2017-2019, kinh tế Hoa Kỳ tốt hơn, với mức tăng trưởng GDP bình quân trên 2%. Nhưng bối cảnh 2024 thì điều kiện vĩ mô của Hoa Kỳ không khả quan bằng. Tốc độ tăng GDP bình quân các quý gần đây <2%. Áp lực giảm lãi suất là rất lớn.
Hơn nữa, hồi 2018, tỷ trọng nợ công/GDP của Hoa Kỳ chỉ mới là 104%. Nhưng ước tính 2023-2024 đã lên đến 120%. Việc phải đối phó áp lực nợ công để lại từ thời Biden sẽ là thách thức cho việc triển khai chính sách trong nhiệm kỳ tới của Trump.
Works Cited
Daily, The Chosun. “S. Korea Posts Record U.S. Trade Surplus amid Escalating “Trump Risk.”” The Chosun Daily, 7 Apr. 2024, www.chosun.com/english/national-en/2024/04/08/DOC3YGTZMVD3BFDMFFAUCGRYFY/. Accessed 22 July 2024.
“Trump Vows Action to End Electric Vehicle “Mandate” on Day One.” Bloomberg.com, 19 July 2024, www.bloomberg.com/news/articles/2024-07-19/trump-vows-action-to-end-electric-vehicle-mandate-on-day-one. Accessed 22 July 2024.