Film notes 10/26/2023
Vài hôm trước, được bạn bè chia sẻ mấy bài phê bình Đất Rừng Phương Nam (DRPN) và hỏi phản hồi của mình. Sau khi lướt qua vài giây vì thấy quá dài, nên mình trả lời luôn: "Dài quá, không quan tâm mấy."
Vì sao tôi không quan tâm đến những lời bài bác bộ phim này?
Thứ nhất, mỗi ngày lướt qua gần chục cái papers, mỗi bài vài chục trang là công việc bình thường của mình. Nhưng tốn trí lực cho một bài phê phim dài hơn 5,000 từ, đối với tôi, đó là sự lãng phí thời gian.
Thứ hai, cá nhân tôi không thù ghét, định kiến gì với bộ phim và đoàn làm phim; do đó, tôi không có nhu cầu tìm kiếm đồng minh về tư tưởng.
Cũng nói luôn, tôi chưa coi DRPN, và chưa có dự định xem trong tương lai gần.
Bạn nào hay đọc mấy bài nhận xét về phim của tôi thì cũng đủ biết cái gu phim của tôi là như thế nào. DRPN rõ ràng là nằm ngoài phạm vi đó. Dấu ấn của bản phim truyền hình hay tiểu thuyết có thể là lớn lao đối với thanh xuân của một số người, nhưng trong đó không có tôi. Quan trọng với bạn, nhưng không có nghĩa quan trọng với tôi. Ngay từ đầu, trailer của bản điện ảnh DRPN cũng chưa "quyến rũ" được tôi.
Bản thân tôi không có tư duy "người Việt ủng hộ phim Việt." Trong nền kinh tế thị trường tự do, hãy để người đi xem quyết định điều đó. Hãy để chất lượng tác phẩm quyết định, đừng kỳ vọng ở sự thương hại của khán giả.
Nếu cả về lý lẫn tình đều không thuyết phục được tôi ra rạp xem DRPN; thì tại sao tôi lại viết bài này?
Tôi viết là để khen ngợi.
Lời khen ngợi thứ nhất, dành cho những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh bộ phim. Đây là dấu hiệu đáng khích lệ trong một môi trường đề cao sự sáng tạo. Trong cuốn sách "Making Movies" của cố đạo diễn người Mỹ Sidney Lumet, ông đã nói: Bất kỳ cá nhân nào cũng có quyền tự do đồng ý, chối bỏ, hoặc được đánh thức về cảm xúc cá nhân đối với tác phẩm. Một bộ phim ra mắt không phải là để mọi người cùng đồng thuận về tính hay, dở của nó; mà là để được trao đổi tranh luận. Và đôi khi, sự đồng thuận lại diễn ra. Đó chính là sự ly kỳ xung quanh một bộ phim ("Each person is then free to agree, reject, or be awakened to his or her own feelings about the piece. We’re not out for consensus here. We’re out for communication. And sometimes we even get consensus. And that’s thrilling.")
Lời khen ngợi thứ hai, dành cho quyết định của Cục Điện Ảnh, đã không vì áp lực dư luận, không vì những tranh cãi đúng - sai, mà ngăn cản quyền tự do sáng tạo của một tác phẩm. Những chỉnh sửa nếu có, cũng không ảnh hưởng mấy đến tinh thần chung của bộ phim (theo lời đạo diễn). Điều này làm mình nhớ đến một ồn ào trước đây liên quan đến phim "Em và Trịnh," tuy nhiên lần này, DRPN lại gánh chịu một áp lực lớn hơn từ phía cái mà tôi gọi là: một bộ phận người Việt "thích tự nhục," tư tưởng bài Tàu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và những kẻ anti Lệ Tổ.
Dư luận cũng chỉ là dư luận. Dư luận không đại diện cho sự sáng tạo nghệ thuật. Dư luận càng không nên là sự phân định đúng - sai đối với quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa. Rõ ràng, DRPN là bài toán khó cho người quản lý nghệ thuật nước nhà, dung hòa giữa quyền sáng tạo nghệ thuật và quyền tự do biểu đạt của xã hội - mà thực tế, đều là những bộ phận cấu thành nên quyền tự do ngôn luận.
Khen rồi, thì chê.
Lời chê thứ nhất dành cho những người bài bác bộ phim. Những người nhân danh tự do ngôn luận để đả kích một tác phẩm. Họ chỉ nhớ về cái quyền mà họ có, nhưng giẫm đạp cái quyền của người khác. Chúng ta có quyền tự do khen chê, nhưng chúng ta quên mất là người làm phim có quyền tự do biểu đạt, trình bày tác phẩm với ý chí của họ.
Bạn không thể nhân danh tự do ngôn luận để chối bỏ quyền tự do sáng tạo nghệ thuật của người đạo diễn, người diễn viên. Đó không phải là tinh thần tôn trọng các giá trị tự do. Đó là ngụy biện và man trá.
Lời chê thứ hai dành cho những người phê bình bộ phim. Bản thân tôi cũng là người bước ra từ môi trường kinh viện, khoa học. Tôi nhớ mãi lời dạy của thầy cô tôi rằng: Truyền đạt cho công chúng đòi hỏi một tư duy khác so với cách truyền đạt cho cộng đồng học thuật. Lí do mà những nhà phê bình phim thất bại trong việc thuyết phục đám đông, và Đất Rừng Phương Nam vẫn lôi kéo khán giả đến rạp; đó là vì lí do căn bản: Người phê bình đã chọn sai phương pháp thuyết phục.
Trong thời đại Tiktok, không mấy ai rảnh ngồi đọc trọn vẹn một bài phê phim hơn 5,000 từ. Người Việt Nam lại càng không thích nghe dạy đời. Ảo tưởng lớn nhất, cám dỗ nhất của những người học cao, đó là: Tự cho mình cái quyền đi giáo dục xã hội; coi xã hội là một đám đông "ít học thức hơn" (the illusion of explanatory depth).
Rõ ràng, phê phim là một chuyện, nhưng để thuyết phục đám đông cảm nhận lời phê của mình, thì các bạn ấy nên cắp cặp đi học Dũng Khùng, Lệ Tổ về nghệ thuật kể chuyện và khuấy động cảm xúc đám đông.
Quyền chọn xem, hay không xem, phản đối hay ủng hộ một bộ phim là một quyết định đơn giản. Tuy nhiên, thể hiện điều đó như thế nào một cách văn minh thì phải bắt đầu từ một điều cơ bản nhất nhưng lại khó chấp nhận nhất, đó là tôn trọng sự tự do biểu đạt.