Tôi thật sự “ngỡ ngàng, ngơ ngác, và bật ngửa” khi chứng kiến một trong những tờ tạp chí kinh tế có uy tín ở Việt Nam lại có thể diễn đạt về học thuyết kinh tế học thể chế (institutional economics) bằng sáu chữ "Giàu nghèo là do thể chế!"
Tôi có cảm giác như người biên tập tờ tạp chí này chỉ mới đọc cuốn "Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty" của Daron Acemoglu & James A. Robinson chỉ vừa mới hôm qua. Đây là cuốn sách mà Acemoglu & Robinson viết cho đối tượng độc giả đại chúng để trình bày về công trình nghiên cứu của họ. Tôi không ngạc nhiên, khi một bộ phận độc giả cuốn sách này có thể đưa đến một kết luận kiểu "Giàu nghèo là do thể chế!".
Đây là kiểu tư duy "reductionism" điển hình, mà éo le lại là hiểu rất lệch lạc và sai lầm về quan điểm của Acemoglu và cộng sự về tăng trưởng kinh tế.
Hôm 15/10, tôi có đăng loạt bài trên Facebook Stories giải thích tầm quan trọng về công trình nghiên cứu của Acemoglu, Robinson & Johnson. Trong đó, ở đoạn kết, tôi viết rõ ràng nguyên văn : "Ý tưởng chung là nhấn mạnh vai trò chính phủ trong điều tiết các mối quan hệ kinh tế, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới công nghệ thông qua bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản. Đây được xem là "mainstream" của lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại."
Không có một chữ nào, câu nào tôi nói rằng thể chế quyết định sự thịnh vượng; mà tôi nhấn mạnh vai trò chính phủ trong việc cải cách thể chế nhằm điều tiết quan hệ kinh tế. Đây chính là bản chất rất rõ ràng của học thuyết kinh tế học thể chế.
Cũng như mọi lý thuyết kinh tế về tăng trưởng. Mỗi lý thuyết sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của một (hoặc vài) yếu tố tăng trưởng nhất định. Sự thịnh vượng của một quốc gia là kết quả tổng hợp đa nhân tố từ những biến số tăng trưởng đó. Đối với kinh tế học thể chế, quan điểm này nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế trong điều tiết và phân bổ nguồn lực kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có hoàn cảnh lịch sử, địa chính trị khác nhau; do đó, về mặt ứng dụng thực tiễn, cải cách thể chế có thể dẫn đến trạng thái phân bổ nguồn lực kinh tế hiệu quả, mà cũng có thể không.
Nếu chúng ta phát biểu "Giàu nghèo là do thể chế," thì chúng ta chỉ mới dừng lại ở mô hình tăng trưởng kinh tế giả định trong sách giáo trình. Nghĩa là, mới chỉ đọc, chứ chưa thực sự học. Các mô hình DSGE hiện đại cũng không thuần túy là deterministic models. Do đó, phát biểu "Giàu nghèo là do thể chế" là cách giản lược rất sai bản chất của vấn đề, có thể nói là không có sự hiểu biết gì về lý thuyết tăng trưởng này.
Khi nói về lý thuyết kinh tế học thể chế, tôi có viết ở trên là: "mainstream" của lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại, và để trong ngoặc kép.
Vì sao vậy?
Bởi vì kể từ thập niên 1980s, giới chính trị phương Tây đã lợi dụng học thuyết này để đánh tráo khái niệm "cải cách thể chế" với "thay đổi chế độ" ở các nước thuộc thế giới thứ 3. Nói cách khác, phương Tây lợi dụng institutional economics để "tiếp thị" cho mô hình tăng trưởng kiểu Mỹ, lôi kéo các nước đang phát triển vào vòng ảnh hưởng của họ.
Đáng nói hơn nữa, phe ủng hộ chủ nghĩa thực dân (pro-colonialism) cũng sử dụng học thuyết này để biện minh cho hành vi xâm lược, bóc lột của họ. Bởi vì họ cho rằng, ở nước nào mà người phương Tây đô hộ, thì di sản để lại là những nền tảng thể chế giúp cho các nước bị đô hộ thoát nghèo nhanh hơn, dễ trở nên phát triển hơn.
Đỉnh điểm của việc chính trị hóa một học thuyết kinh tế đó chính là Chương trình cải cách cấu trúc (Structural adjustment programs) của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) mà cơ sở lý luận của chương trình này chịu ảnh hưởng từ lý thuyết kinh tế học thể chế.
Thế nhưng, nhắc lại một lần nữa, kinh tế học thể chế không bao giờ nói phải sao chép mô hình của Hoa Kỳ thì mới giàu có, thịnh vượng. Kể từ thập niên 1980s đến nay, ở các nhóm nước đã trải qua "Chương trình cải cách cấu trúc" của IMF vẫn phải loay hoay với các vấn đề về phát triển kinh tế, và hậu quả tiêu cực dưới áp lực phải cải cách thể chế quá nhanh chóng, đột ngột. Brazil, Argentina là hai ví dụ điển hình ở Mỹ Latin; và Argentina cho tới những năm 2000s vẫn phải tiếp tục nhận viện trợ từ IMF.
Sau khủng hoảng tài chính Á châu 1997, các nước đã trải qua "Chương trình cải cách cấu trúc" của IMF như Thái Lan, Indonesia, Philippines đáng nhẽ ra phải chứng kiến sự đột phá về năng suất, và tăng trưởng. Nhưng điều đó đã không diễn ra.
Những hình ảnh tương lai giàu đẹp mà "Chương trình cải cách cấu trúc" hứa hẹn cũng đã không diễn ra với Ấn Độ, Pakistan - hai nước đã từng là thuộc địa Anh.
Tồn tại một khoảng cách rất rõ ràng giữa lý thuyết và thực tiễn.
Nạn nhân của việc chính trị hóa học thuyết kinh tế học thể chế đó chính là những người dân thường, khi mà văn hóa, quan hệ xã hội bị đứt gãy do chuyển đổi cấu trúc kinh tế quá đột ngột và khốc liệt.
Một điều đáng mỉa mai là quốc gia ứng dụng đúng bản chất của lý thuyết kinh tế học thể chế nhất, lại chính là quốc gia mà phương Tây thù địch nhất, Trung Quốc - đưa gần một tỷ người ra khỏi tình trạng nghèo đói.
Tại sao tôi rất gay gắt với kiểu diễn đạt này? Bởi vì điều tệ hại nhất của sự thiếu hiểu biết chính là tuyệt đối hóa một lý thuyết trở thành một kết luận mang tính chất của một chân lý. Mà điều này lại diễn ra ở trang bìa của một tạp chí kinh tế, trong khi Việt Nam không thiếu học giả nghiên cứu về kinh tế phát triển.
Một công trình hàng chục năm nghiên cứu, trải qua biết bao nhiêu thế hệ học giả, lại bị quy kết thành sáu chữ "Giàu nghèo là do thể chế," kém hiểu biết hơn cả một sinh viên ở bậc Cử nhân chuyên ngành Kinh tế phát triển.
có khi nào bị áp lực giật tít KPI của một tờ báo giấy truyền thống hem a :<