Macro Notes 9/27/2023
Từ ngày 22/9, ví điện tử e-CNY của Trung Quốc chính thức cho phép người nước ngoài nạp tiền để tiêu dùng tại Đại lục sử dụng thẻ thanh toán quốc tế (Visa, Mastercard) mà không phải xác nhận bằng số điện thoại Trung Quốc. Đơn giản là đi Tàu, giờ chỉ cần dùng chính số điện thoại Việt Nam (chuyển vùng quốc tế) để kích hoạt và nạp tiền vào ví e-CNY.
Ví điện tử Changi Pay (Singapore), TrueMoney (Thái) cũng đã liên kết thanh toán với Alipay. Người Thái, Singapore đi Trung Quốc có thể dùng chính ví điện tử của họ để thanh toán ở Đại lục.
Đây là những biểu hiện rõ về xu hướng mở cửa của CNY, sử dụng đồng tiền của các quyền lực giữa trong giao dịch xuyên biên giới, liên kết trực tiếp không thông qua USD, mà mình đã nói trong các Facebook story trước.
Ở phiên họp gần đây nhất của Bộ Chính trị BCHTWDCSTQ, Tập Cận Bình nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong quá trình tham gia cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thực tế, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư Trung Quốc-ASEAN vừa qua, Trung Quốc thể hiện chủ ý muốn kết thúc nhanh quá trình đàm phán nâng cấp Thỏa thuận thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc v3.0 vào năm 2024. Song song đó, Trung Quốc nới lỏng quy định quản lý ngoại hối với các doanh nghiệp FDI tại các khu FTZs. Các tỉnh thành Trung Quốc cũng được khuyến khích triển khai các vùng FTZs mới.
Trong tình hình nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, khi tăng trưởng bằng đầu tư công không còn hiệu quả như trước, và chiến lược tăng trưởng bằng cầu tiêu dùng nội địa vẫn khiêm tốn; thì chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Các tín hiệu này đang nhấn mạnh: Quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc sẽ tiếp diễn với mức độ cao hơn.
Đồng thời, ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Thái Lan cũng công bố nới lỏng các quy định quản lý ngoại hối cho cả người nước ngoài và trong nước.
Cần nhớ lại rằng, kể từ Khủng hoảng Tài chính Á châu 97, cả Hàn Quốc và Thái Lan đều thận trọng kiểm soát thị trường tài chính. Ngoại lệ gần đây nhất, trong Khủng hoảng tài chính 2007-08, đối phó với khủng hoảng thanh khoản USD, các nền kinh tế Đông Á đã điều chỉnh quy định quản lý để sử dụng KRW, JPY, EUR, CNY thay thế USD trong cân đối thanh toán bù trừ trong các giao dịch thương mại quốc tế.
Đối với chu kỳ suy thoái hiện tại của nền kinh tế toàn cầu, dấu hiện hiện tại:
1/ Thế giới vẫn đang trong quá trình financial deleveraging;
2/ Cách mạng AI tuy đột phá nhưng chưa tác động rõ rệt đến năng suất lao động ở quy mô lớn;
3/ Xu hướng "de-risking" khỏi Trung Quốc, tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu làm tăng tạm thời chi phí đầu tư;
4/ Mặt bằng lãi suất còn cao;
Như mình đã giải thích trong Facebook story trước, một chu kỳ tăng trưởng mới đòi hỏi các yếu tố chi phí phải thấp. Vì vậy, hành động chính sách của NHTW các nước từ Trung Quốc cho đến Thái Lan, Hàn Quốc hiện nay đều phản ánh thực tế đó.
Đối với Việt Nam, như mình luôn nhấn mạnh, đây là "cơ hội vàng," không dễ có. Trung Quốc tái cấu trúc lại, trong khi Ấn Độ vẫn chưa "thức giấc," (vẫn còn đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản, và cải thiện năng suất lao động).
Khoảng trống cơ hội đó, Việt Nam không nhảy vào bây giờ, thì sẽ không còn cơ hội đổi đời ở thế hệ này.
Trong thập niên 1980, khi các nền kinh tế Nhật, Hàn, Đài chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại; khi đó, Trung Quốc vẫn chưa tỉnh giấc. Khoảng trống cơ hội đó được Singapore, Malaysia, và Thái Lan nhanh chóng nắm bắt (thập niên 1990 chứng kiến tốc độ tăng trưởng 7-10%/năm ở các nước này).
Tuy nhiên, khi Trung Quốc chính thức gia nhập WTO vào 2001. Hầu như không ai có thể cạnh tranh lại với mặt bằng chi phí thấp và quy mô mở rộng với nước này cả.
Trong hoàn cảnh đó, chỉ duy nhất Singapore là nâng cấp giá trị xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu công nghiệp thành công. Ở mức trung bình, lưng chừng là Malaysia.
Còn Thái Lan là trường hợp mà nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ, và tụt lại phía sau.
Giờ đây, khi tân Thủ tướng Thái Lan nói rằng "Thái Lan đang tụt hậu so với Việt Nam," thì đó không phải điều đáng tự hào, mà đúng ra, là một lời nhắc nhở hãy nhìn vào bài học lịch sử của người Thái.
References
"Thai PM Srettha Thavisin Interview: Tesla, US Investments, Vietnam - Bloomberg." https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-09-20/thai-leader-chases-us-investment-as-he-looks-to-revive-growth#xj4y7vzkg, .
"New e-CNY feature in China’s digital renminbi payment services to benefit foreigners" Straitstimes, 26 Sep. 2023, https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/new-e-cny-feature-in-china-s-digital-renminbi-payment-services-to-benefit-foreigners.
"Ant Group’s Alipay+ expands support for e-wallet and payment apps from Singapore, South Korea and Thailand to help more foreign tourists in China pay for goods and services | South China Morning Post." https://www.scmp.com/tech/big-tech/article/3235059/ant-groups-alipay-expands-support-e-wallet-and-payment-apps-singapore-south-korea-and-thailand-help, .
"习近平在中共中央政治局第八次集体学习时强调:积极参与世界贸易组织改革 提高驾驭高水平对外开放能力__中国政府网." https://www.gov.cn/govweb/yaowen/liebiao/202309/content_6906628.htm,
"South Korea to extend forex trading hours, simplify rules for foreign traders." https://finance.yahoo.com/news/south-korea-extend-forex-trading-061023234.html,
Staporncharnchai, Orathai. "Thailand relaxes rules on non-resident baht transactions - cenbank" Nasdaq, 26 Sep. 2023, https://www.nasdaq.com/articles/thailand-relaxes-rules-on-non-resident-baht-transactions-cenbank#:~:text=BANGKOK%2C%20Sept%2026%20(Reuters),BOT)%20said%20in%20a%20statement..