Macronotes: Xu hướng dự trữ cryptos ở các Tiểu bang Hoa Kỳ
Trong loạt Facebook Stories đã đăng trước đó, tôi đã phân tích những rào cản khiến Chính phủ Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua tiền mã hóa mà không tác động đáng kể đến ngân sách hoặc người nộp thuế, xét từ góc độ Luật Ngân sách cũng như mối quan hệ giữa Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (đăng tải ngày 10 tháng 03, 2025).
Cũng không nằm ngoài xu hướng thiết lập các quỹ dự trữ tài sản số, đặc biệt là Bitcoin và các loại tiền mã hóa, các bang tại Hoa Kỳ hiện đang triển khai các quỹ dự trữ tiền mã hóa ở cấp tiểu bang.
Xu hướng này có những điểm khác biệt nào so với các động thái của chính quyền liên bang đã được phân tích trước đó? Đồng thời, tác động của các quỹ dự trữ này đối với ổn định kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ trong tương lai sẽ ra sao?
Quan hệ giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương ở Mỹ, và liên hệ với Trung Quốc, cũng như Việt Nam
Trung Quốc (cũng như Việt Nam) áp dụng mô hình chia sẻ nguồn thu ngân sách giữa Trung ương và địa phương, được quy định cụ thể thông qua tỷ lệ điều tiết ngân sách. Kể từ khi Luật Ngân sách 2015 được cải cách, các tỉnh thành tại Trung Quốc đã có mức độ tự chủ cao hơn trong các quyết định ngân sách và huy động vốn đầu tư phát triển. Mặc dù vậy, chính quyền Trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc giám sát, kiểm toán thu – chi và điều tiết quan hệ ngân sách với các địa phương.
Ngược lại, Hoa Kỳ áp dụng mô hình "tự chủ ngân sách", trong đó quan hệ tài khóa giữa chính quyền liên bang và tiểu bang mang tính độc lập cao. Mặc dù trên thực tế, mô hình này không hoàn toàn tách biệt, nhưng nhìn chung, các tiểu bang có mức độ tự chủ tài khóa lớn hơn đáng kể so với mô hình chia sẻ ngân sách của Trung Quốc hoặc Việt Nam.
Ví dụ, khi một giao dịch tiêu dùng diễn ra tại Hoa Kỳ (chẳng hạn như mua một ly cà phê Starbucks), thuế tiêu thụ sẽ do chính quyền tiểu bang trực tiếp thu. Ngoài ra, cả chính quyền tiểu bang và liên bang đều thu thuế gián tiếp thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính quyền liên bang còn thu thông qua các khoản đóng góp vào quỹ an sinh xã hội và bảo hiểm y tế. Một số mặt hàng đặc thù như xăng dầu, vũ khí, rượu bia và thuốc lá có thể chịu cả thuế tiêu thụ đặc biệt của tiểu bang lẫn liên bang.
Do đó, công tác hạch toán ngân sách tại Hoa Kỳ có tính độc lập cao giữa hai cấp chính quyền. Ngân sách tiểu bang được quản lý riêng biệt, và các tiểu bang không có nghĩa vụ chia sẻ nguồn thu với chính quyền liên bang. Điều này dẫn đến thực tế rằng: Mặc dù ngân sách liên bang Hoa Kỳ thường xuyên thâm hụt nghiêm trọng qua nhiều thập kỷ, ngân sách tại cấp tiểu bang lại có xu hướng cân đối và thặng dư.
Nguồn: Biernacka-Lievestro, J., & Forrest, P. (2024, September 3). Number of States With Annual Deficits Hit Record Low in Fiscal Year 2022. Pewtrusts.org; The Pew Charitable Trusts. https://www.pewtrusts.org/en/research-and-analysis/articles/2024/09/03/number-of-states-with-annual-deficits-hit-record-low-in-fiscal-year-2022
Tình trạng thặng dư ngân sách tại cấp tiểu bang
Tương tự như các chủ thể kinh tế khác, khi thặng dư ngân sách phát sinh, các tiểu bang không chỉ sử dụng để trả nợ, cân đối ngân sách hay đầu tư phát triển xã hội mà còn có thể phân bổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán, quỹ phòng hộ, hoặc vàng…
Danh mục đầu tư của các tiểu bang cũng bao gồm trái phiếu chính phủ liên bang. Điều này có nghĩa rằng, thay vì chia sẻ nguồn thu như mô hình của Trung Quốc, các tiểu bang tại Hoa Kỳ thực hiện cho chính quyền liên bang vay lại, thông qua việc nắm giữ trái phiếu chính phủ. Quá trình này được điều chỉnh dựa trên nguyên tắc thị trường, thay vì đàm phán tỷ lệ phân bổ ngân sách hàng năm giữa các cấp chính quyền.
Tác động vĩ mô nếu các quỹ dự trữ tiền mã hóa trở nên phổ biến tại cấp tiểu bang
Bối cảnh quốc tế
Kể từ sự kiện đóng băng tài sản của Nga, nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đã trở nên thận trọng hơn đối với việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ hoặc các tài sản tài chính liên quan. Chính sách đối ngoại không ổn định của Hoa Kỳ, đặc biệt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, cũng đã thúc đẩy xu hướng này. Thay vào đó, các quốc gia này đang tái phân bổ sang vàng hoặc đa dạng hóa danh mục dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, tình trạng kinh tế bất ổn cũng đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế phát triển khác như Anh, Canada và Nhật Bản, nơi giá trị trái phiếu sụt giảm và đồng nội tệ mất giá. Do đó, vàng vẫn là kênh dự trữ chính, và trong tương lai gần, tiền mã hóa có thể trở thành một lựa chọn tiềm năng.
Bối cảnh nội tại Hoa Kỳ
Không giống như chính quyền liên bang, việc các tiểu bang Hoa Kỳ dự trữ tiền mã hóa không ảnh hưởng đến nguồn thu hoặc thuế liên bang, nhưng có thể tác động đến chiến lược phân bổ đầu tư tại cấp tiểu bang.
Nếu kịch bản này diễn ra, chính quyền tiểu bang có thể giảm tỷ trọng nắm giữ chứng khoán và quỹ phòng hộ để chuyển hướng sang tiền mã hóa do mức lợi suất hấp dẫn hơn. Khi đó, các tiểu bang Hoa Kỳ có thể lựa chọn đầu tư thông qua các quỹ giao dịch hoán đổi (ETFs) tiền mã hóa hoặc trực tiếp thành lập quỹ dự trữ riêng.
Dù trái phiếu chính phủ vẫn có ưu thế về rủi ro thấp và tính thanh khoản cao, không thể loại trừ khả năng các tiểu bang giảm tỷ lệ nắm giữ loại tài sản này. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ ngay từ nội bộ nước Mỹ.
Hệ quả kinh tế - chính trị có thể bao gồm:
Suy giảm vị thế của đồng USD: Khi nhu cầu trái phiếu chính phủ suy giảm, niềm tin vào đồng USD có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng xu hướng phi tập trung hóa tài sản dự trữ.
Gia tăng can thiệp từ chính quyền liên bang: Để ngăn chặn các tiểu bang giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ, chính quyền liên bang có thể áp dụng các biện pháp can thiệp sâu rộng hơn, ảnh hưởng đến tính tự chủ tài khóa của các tiểu bang, từ đó làm gia tăng mâu thuẫn chính trị nội bộ.
Nhìn xa hơn, nếu chính quyền liên bang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc kiểm soát chiến lược tài chính của các tiểu bang, nguy cơ xung đột về quyền tự chủ tài khóa có thể trở nên rõ rệt hơn. Điều này đặc biệt đáng lưu ý trong bối cảnh các tranh luận về quyền lực của Cục Dự trữ Liên bang và khả năng thay đổi chính sách tiền tệ dưới chính quyền mới.