Mấy ngày gần đây, trong friend circles của tôi có nổi lên câu chuyện về tranh cãi xung quanh chất lượng của các khóa học về Đầu tư tài chính của một podcaster là H***.TV. Thông qua một số bạn bè trẻ tuổi hơn, và các bạn sinh viên, tôi có biết về sự tồn tại của podcast H***.TV và các khóa học này. Có người rất thần tượng nhân vật này, và cũng có người đã đóng tiền tham gia khóa học đó.
Tôi thấu hiểu sự thất vọng và bức xúc của các bạn học viên, bởi vì con số khoảng 250 USD (tương đương 6.000.000 VNĐ) cho khóa học không phải là nhỏ đối với các bạn sinh viên, hoặc mới ra trường.
Cần làm rõ là cá nhân tôi chưa bao giờ nghe hoặc xem các nội dung podcast, hay Youtube của H***.TV, vì chắc chắn tôi không phải là đối tượng mục tiêu mà anh ta hướng đến.
Hiện nay, tại Việt Nam đang bùng nổ các khóa học đào tạo kỹ năng sống, dạy làm giàu, dạy đầu tư tài chính... Đa số các khóa học này được truyền bá online, thông qua mạng xã hội. Đặc điểm chung của các khóa học này là: Không giấy phép kinh doanh, không đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, không rõ ràng về trình độ chuyên môn, và không có công nhận chất lượng (accreditation). Do đó, xét về góc độ quản lý thị trường, thì các cơ quan quản lý vẫn còn chưa biết ứng xử như thế nào trước thực trạng này.
Chính vì hiệu ứng của viral marketing, personal branding; nhiều bạn trẻ chi trả cho các khóa học như vậy với quyết định rất cảm tính, bỏ qua những bước due diligence cần thiết. Chẳng hạn, trước khi quyết định thanh toán cho một khóa học Đầu tư tài chính, bạn cần đặt những câu hỏi cơ bản:
- Trình độ của giảng viên: bao gồm bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, chứng chỉ chuyên môn như Chartered Financial Analyst (CFA), Certified International Investment Analyst (CIIA), CPA hoặc ACCA, Certified Financial Planner (CFP)...
- Kinh nghiệm: Kinh nghiệm thị trường, bằng chứng công khai kết quả đầu tư.
- Phản hồi của các học viên
Giả sử, một khóa học Đầu tư tài chính của một giảng viên không có kinh nghiệm đào tạo, không có bằng cấp liên quan, cũng không công khai kết quả đầu tư một cách rõ ràng và minh bạch; thì đây là những "red flags" mà các bạn phải thận trọng.
Thị trường dịch vụ giáo dục mở rộng ở Việt Nam còn bị bỏ ngỏ
Sự bùng nổ các khóa học trôi nổi không rõ ràng minh bạch về chất lượng như trên, cho thấy một thực tế rằng: Thị trường dịch vụ giáo dục mở rộng (bao gồm giáo dục thường xuyên, continuing education, và giáo dục người lớn, adult learning) ở Việt Nam vẫn còn quá nhiều tiềm năng mà các trường đại học, học viện vẫn chưa khai thác - trong khi đây là các đơn vị tập trung nguồn lực trí tuệ của quốc gia, được đào tạo chuyên sâu bài bản.
Đối với các hệ thống đại học lớn trên thế giới, mảng dịch vụ giáo dục mở rộng mang lại nguồn thu đáng kể, thông qua các chương trình chứng chỉ ngắn hạn, phi tín chỉ... Chẳng hạn đối với Macroeconomic Analysis thì một học sinh cấp 3 tại Việt Nam, có nền tảng cơ bản về Toán và Thống kê học, đã có thể hiểu và lý giải được xu hướng vận động của các nền kinh tế thế giới, trong vòng khoảng 2 tuần đào tạo. Đối với những người đã đi làm, có nền tảng về lập trình tin học, thì có thể tham gia các chương trình chứng chỉ kéo dài 2-3 tháng, là đã có thể lãnh hội và phát triển tốt kỹ năng về economic modelling hoặc computational econometrics.
Hiện nay, các khóa học đào tạo ngắn hạn về Đầu tư Tài chính có chất lượng cao, uy tín thì chi phí tham gia lại cao (so với mặt bằng dân số chung), và quy trình tuyển sinh cũng chọn lọc hơn, nên đa số sẽ khó tiếp cận.
Con số 6,000,000 đồng; mới nghe thì tưởng lớn, nhưng so với mức học phí cơ bản ban đầu phải bỏ ra cho một chương trình đào tạo có uy tín, thì tôi nói thẳng là: QUÁ RẺ MẠT. Dân mình hay nói một câu tôi thấy rất chuẩn, đó là: "Tiền ít mà đòi hít cho thơm."
Tôi không bênh vực H***.TV. Tôi quan niệm, một người trưởng thành trước tiên nên có ý thức tự chịu trách nhiệm với quyết định chi tiêu của mình.
Kinh nghiệm của kẻ khác thì không bao giờ là miễn phí cả.
Đôi khi, để học được một bài học cuộc đời xương máu nào đó, bạn phải đánh mất đi một thứ gì rất quý giá. Và bạn sẽ nhận ra một điều: Mất tiền là "sự mất mát rẻ nhất." Trong trường hợp này, 6,000,000 đồng vẫn là rẻ chán.
Hãy nghĩ, coi như mua phải sản phẩm chất lượng kém. Ai mà không từng vấp phải những quyết định tiêu dùng sai lầm như thế!