Seoul Square
Cho dù bạn lần đầu tiên đến Seoul, hay là người thường xuyên đến Hàn Quốc, thì tòa nhà màu gạch đỏ đất nung này sẽ tạo ra một ấn tượng khó phai. Bởi vì, giây phút mà bạn bước chân ra khỏi Ga Trung tâm Seoul (Seoul Station), bạn sẽ đối diện với tòa nhà Seoul Square này.
Seoul có đến hàng trăm ngàn tòa nhà cao tầng, vậy thì tòa nhà này có gì đặc biệt?
Bởi vì nó là chứng nhân lịch sử cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Tiền thân của tòa nhà là tổng hành dinh của tập đoàn Daewoo, được xây dựng bởi công ty xây dựng Daewoo (Daewoo E&C) vào thập niên 1970s, thời kỳ phát triển thần tốc của Nam Hàn, mà chúng ta hay gọi là "Korean Miracle," hay "Kì tích sông Hán".
Mặc dù khởi điểm của Daewoo được tổ chức theo mô hình công ty thương mại xuất khẩu, với thế mạnh ở ngành dệt may. Nhưng chính ngành công nghiệp xây dựng, và đóng tàu mới là cú huých tăng trưởng cho Daewoo trở thành người khổng lồ, khi thực hiện chính sách "Trung Đông tiến" và mở rộng thương mại.
Daewoo E&C cũng chính là nhà thầu xây dựng cho dự án Trump World Tower ở New York. Sau này, khi Donald Trump phát triển thương hiệu bất động sản của mình sang Hàn Quốc, ông cũng hợp tác với Daewoo E&C dưới tên gọi "Daewoo Trump World."
Gần 30 năm sau, tòa nhà này, một lần nữa, là chứng nhân cho sự sụp đổ và lụi tàn của tập đoàn Daewoo, khi Khủng hoảng Tài chính Á châu 1997 phơi bày những bê bối tài chính và gian lận kế toán. Chủ tịch Daewoo thời điểm đó đã bỏ trốn sang Việt Nam, cho đến 2006 mới bị tuyên án.
Daewoo, một trong những cái tên đã góp phần tạo nên "Korean Miracle," từng được coi là bất khả xâm phạm, "too big to fail." Sự suy tàn của Daewoo, trong bối cảnh Nam Hàn đang phải đối phó với Khủng hoảng Tài chính, có thể xem là tác động đến xã hội còn lớn hơn cả những gì đã diễn ra so với vụ Enron ở Hoa Kỳ vài năm sau.
Ngày nay, tòa nhà nhìn thì bạn sẽ thấy chẳng có gì đặc biệt, ngoại trừ màu đỏ gạch nổi bật. Nhưng nếu ta quay lại thời gian vào thập niên 1970s, thì nó là một trong những biểu tượng kiến trúc và thịnh vượng kinh tế của một quốc gia.