Thanh Ngõa Đài (Cheong Wa Dae) và Kinh tế Nam Hàn thập niên 1970s
Quay lại câu chuyện của gần 10 năm trước, khi có dịp được các bác giáo sư người Hàn giới thiệu về lịch sử kinh tế Nam Triều, Bắc Triều. Chưa bao giờ nghĩ rằng, một ngày nào đó, mình có thể khám phá gần như trọn vẹn Dinh Tổng Thống Đại Hàn (tức Nhà Xanh, Cheong Wa Dae).
Kể từ tháng 5/2022, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol dời văn phòng Tổng thống về quận Yongsan. Cheong Wa Dae chính thức được mở cửa miễn phí cho mọi người tham quan. Đối với người Việt Nam, bạn chỉ cần đến cổng chính, xuất trình hộ chiếu, căn cước, thậm chí là giấy phép lái xe (ảnh chụp trên điện thoại cũng được) sẽ được chấp nhận.
Bởi vì Cheong Wa Dae giới hạn số khách tham quan nhất định trong ngày, nên thời điểm tham quan đẹp nhất là tầm 9-10h sáng, các ngày trong tuần (trừ thứ 3, đóng cửa). Cuối tuần thì người Hàn đi nhiều nên đông đúc hơn. Mình đi sáng thứ hai, tương đối thoải mái.
Sáng hôm đó, mình có gặp một đoàn khách du lịch từ Việt Nam sang, đi ngang qua nghe cô chú trong đoàn nói chuyện, có một cái tên được nhắc tới: Cố tổng thống Park Chung-hee.
Trái với suy nghĩ của mọi người và trên phim ảnh, trong vụ ám sát Park Chung-hee vào ngày 26 tháng 10 năm 1979. Park Chung-hee đã không bị bắn chết trong khuôn viên Nhà Xanh (rất khó để hạ sát một Tổng thống vốn đa nghi và nhiều kẻ thù như họ Park tại Thanh Ngõa Đài). Thực tế, vụ ám sát đã diễn ra bên ngoài Cheong Wa Dae, trong một căn nhà bí mật chuyên dùng để tiếp khách thân tín (và cũng có thể là dùng để mời các nữ nghệ sĩ đến "mua vui" cho Tổng thống). Sau này, chính quyền Hàn Quốc đã giải tỏa khu vực này, và xây dựng thành công viên. Ngay nay, vị trí này chính là công viên Mugunghwa cách Nhà Xanh không xa.
Bất mãn thứ nhất:
Khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970s dẫn đến tình trạng lạm phát cao ở Nam Hàn. Lạm phát trung bình thập niên 1970s là khoảng 10%, có thời điểm lên đến 30%. Đời sống kinh tế xã hội rơi vào trạng thái căng thẳng, như đổ thêm dầu vào ngọn lửa uất hận của người dân dành cho chế độ Park Chung-hee, do chính sách đàn áp, độc tài, giới hạn tự do ngôn luận, kiểm soát gắt gao đời sống xã hội.
Bất mãn thứ hai:
Khủng hoảng dầu mỏ làm cho các nước Trung Đông, nhất là Saudi, giàu lên nhanh chóng. Tiền của thế giới chảy vào đâu, thì cơ hội ở đó. Các nước Trung Đông sử dụng nguồn thặng dư này đầu tư xây dựng hạ tầng, hiện đại hóa đất nước.
Với kinh nghiệm xây dựng hạ tầng cho quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc tự tin chiếm lĩnh cơ hội ở Trung Đông. Chính sách công nghiệp ưu tiên nguồn lực tài chính cho các ngành công nghiệp nặng, dịch vụ xuất khẩu phục vụ thị trường Trung Đông. Những tên tuổi công nghiệp phất lên nhanh chóng nhờ chính sách "hướng về Trung Đông" có thể đến các tập đoàn xây dựng Samwhan, Dong Ah (nay là một phần của SM Group), Hyundai, Posco...
Giá dự thầu của các công ty Hàn thấp tới mức gần như không một nhà thầu từ châu Âu, Mỹ có thể cạnh tranh lại. Chính sách hòa hiếu với Trung Đông, cởi mở (về hình thức) với Hồi giáo của chính quyền Park cũng là những cộng hưởng tích cực. Văn hóa kinh doanh của người Đông Á nói chung, "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn," chiếm ưu thế nhờ biết đi cửa sau, biết hối lộ, biết chịu chi thì hiển nhiên việc nhận được cái gật đầu của đối tác Trung Đông không phải là chuyện khó.
Dưới chế độ Park Chung-hee, thị trường tài chính (chủ yếu là khối ngân hàng) cũng dưới sự kiểm soát, chi phối của chính quyền. Việc nguồn vốn chỉ tập trung vào một số ngành công nghiệp nhất định, dẫn đến tăng trưởng nóng của nền kinh tế, nhưng chế độ phân phối không đồng đều, dẫn đến hệ lụy là: bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, suy giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Bất mãn thứ ba:
Bên kia Thái Bình Dương, chính quyền Hoa Kỳ cũng không vui vẻ gì.
Kinh tế Hoa Kỳ cũng đang đối mặt với tình trạng lạm phát trì trệ, thâm hụt ngân sách lớn. Dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội và gia tăng bất bình đẳng. Tận dụng bối cảnh xã hội này, một ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ là Jimmy Carter khởi xướng thông điệp: Cải cách dân chủ, nhân quyền, giảm bất bình đẳng. Và Jimmy Carter đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 1976.
Lẽ thường, chính sách đối nội của một vị Tổng thống Hoa Kỳ sẽ dự báo chính sách đối ngoại của người đó. Không ngoài dự đoán, chính quyền Jimmy Carter gây áp lực lên chính quyền họ Park về tình trạng tự do dân chủ và nhân quyền ở Nam Hàn. Vì vấn đề thâm hụt ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ, kế hoạch rút quân Mỹ ra khỏi Nam Hàn lại "dậy sóng" nghị trường. Đỉnh điểm là khi Hoa Kỳ phát hiện chính quyền Park Chung-hee bí mật phát triển chương trình vũ khí hạt nhân mà không thông qua sự tham vấn của Washington.
Với một nhà lãnh đạo đậm chất dân tộc chủ nghĩa như Park Chung-hee, người Mỹ lúc nào cũng dè chừng ông. Dường như, đến cuối thập niên 1970s, người Mỹ có vẻ đã có suy nghĩ: Nam Hàn cần một nhà lãnh đạo mới.
Sự kiện 26 tháng 10:
Với những yếu tố bên trong và bên ngoài như vậy, không khó để nhận ra, có quá nhiều động cơ và đối tượng muốn diệt trừ Park Chung-hee: lực lượng dân chủ, các nhà tư bản thiệt thòi vì chính sách công nghiệp, và người Mỹ.
Trong nội bộ quân đội Nam Hàn, hẳn nhiên cũng sẽ có những người có lợi ích gắn liền với các đối tượng trên, và có sự bất mãn ngấm ngầm bên trong với họ Park.
Kết cục là: Kẻ xuống tay với Park Chung-hee không ai khác chính là những người từng là đồng chí, cộng sự sát cánh với ông.