The Kingmaker, Ferdinand Marcos & Số Phận Philippines
Cuối tuần rồi, Tú vừa xem xong “The Kingmaker” - phim tài liệu nói về vai trò ảnh hưởng của Imelda Marcos, vợ của cố tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, trong con đường chính trị của chồng bà và các con. Bộ phim đã mang đến cho mình một góc nhìn mới so với những gì mình đã học về chính trị Á Đông nói chung và lịch sử kinh tế Philippines nói riêng trong những năm ở Hoa Kỳ.
Sự xa hoa, tham vọng, và vĩ cuồng của Imelda Marcos có thể được tóm tắt trong câu nói của bà:
“Tôi không chỉ là một vị đệ nhất phu nhân độc nhất. Tôi phải là một người mẹ. Không chỉ là mẹ của gia đình tôi, mà là mẹ của những người dân Philippines, và người mẹ của thế giới.”
Thông qua “The Kingmaker,” mình đã hiểu vì sao ngay đến cả gia đình Hoàng gia Anh cũng phải kiêng nể lối sống của một người phụ nữ như Imelda Marcos. Bộ phim xen kẽ những góc nhìn đối lập từ cả hai phía về sự nghiệp chính trị của Ferdinand Marcos: góc nhìn của Imelda, và của những người dân dưới 21 năm chế độ độc tài Marcos.
Kinh tế Philippines dưới thời Marcos
Để hiểu bộ phim, không thể không nhắc lại vai trò của cố tổng thống Ferdinand Marcos trong lịch sử kinh tế Philippines nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Sau Thế chiến 2, với lịch sử thuộc địa lâu dài và là điểm đối đầu Trung - Mỹ, như một lẽ tự nhiên đó là sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo quốc gia theo chủ nghĩa hiện thực (realism). Những trường hợp mà sự lãnh đạo của họ đã dẫn đến sự khởi sắc về kinh tế - xã hội quốc gia như tướng Prem Tinsulanonda (Thái Lan), Lý Quang Diệu (Singapore), và Mahathir Mohamad (Malaysia). Tuy nhiên, Ferdinand Marcos, vị tổng thống có nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử Philippines (21 năm kể từ 1965), đã đi vào lịch sử chính trị thế giới như là một nhà độc tài, tham nhũng, và toàn trị.
Cho đến nay, không ai biết được chính xác gia đình Marcos đã biển thủ bao nhiêu tiền từ người dân Philippines. Con số tính toán được trên chứng từ là từ 5 đến 10 tỷ USD, nhưng con số thực còn hơn thế. Có một chi tiết trong phim, Imelda nói rằng tiền của bà được giữ ở 170 ngân hàng trên toàn thế giới. Có một dạo, bọn lừa đảo tài chính quốc tế hay tiếp cận các công ty Việt Nam bằng các bộ giấy tờ ngân hàng giả mạo và bảo rằng đó là tiền của Marcos muốn đưa về Việt Nam để rửa.
Nói công bằng, Ferdinand Marcos là vị tổng thống có tầm nhìn. Tuy nhiên tầm nhìn đó của ông lại không thể hiện thực hóa, mà nó còn đẩy nền kinh tế và xã hội Philippines vào trạng thái suy thoái mà phải mất hàng chục năm vẫn chưa thực sự phục hồi.
Trước khi Marcos trở thành tổng thống vào năm 1965, Philippines cơ bản là “sân sau” của Hoa Kỳ. Cấu trúc nền kinh tế không đồng đều, chủ yếu phục vụ cho hoạt động quân sự của Mỹ. Đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ, nhưng chính sách bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Philippines khiến cho đảo quốc này không thể phát triển nhờ xuất khẩu.
Khác với những người tiền nhiệm, Ferdinand Marcos tham vọng cải biến Philippines từ một quốc gia nghèo, lạc hậu, xung đột nội bộ liên miên trở thành một quyền lực tầm trung (middle power) ở châu Á. Dưới thời Marcos, chính sách ngoại giao của Manila đã có sự chuyển biến rõ rệt:
(1) Tránh cho Philippines không bị mắc kẹt trong cuộc đấu giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa;
(2) Xây dựng hình ảnh Philippines thân thiện, hữu nghị bằng sự kết giao với các nước Thế giới thứ Ba;
(3) Tranh thủ sự ủng hộ của khối Trung Đông để giải quyết xung đột nội bộ với các nhóm vũ trang Hồi giáo ở Philippines, cũng như đảm bảo nguồn dầu mỏ cho quá trình công nghiệp hóa;
(4) Thiết lập cơ chế liên kết vùng, sau này là cơ sở cho sự hình thành của khối ASEAN.
Mặc dù thành tựu ngoại giao của Philippines thực sự khởi sắc, nhưng chính sách kinh tế là một sai lầm của Marcos khi ông định hướng theo tiến trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Để công nghiệp hóa, cần có hạ tầng, giáo dục, nhân lực, và công nghệ; đều cần phải đầu tư dài hạn, và không thể tạo ra sự chuyển biến tức thời bởi vì Philippines đều thiếu thốn các yếu tố này. Nguồn tiền vay của Philippines phần lớn đổ vào hạ tầng, một bộ phận không nhỏ nằm trong tay các nhóm lợi ích thân Marcos. Thực tế là trong 10 năm đầu nhiệm kỳ, hàng hóa Philippines vẫn chưa thể cạnh tranh tương xứng với hàng nhập khẩu. Áp lực lãi vay bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế. Nói ngắn gọn, sự tăng trưởng GDP của trong thời kỳ này chỉ là… đẹp trên giấy.
Nhận thức được mối nguy hiểm từ khủng hoảng nợ công của Philippines, IMF đưa ra điều kiện để tiếp tục được vay, Marcos phải tái cấu trúc lại nền kinh tế theo chủ trương công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải phá giá đồng peso. Dưới gánh nặng nợ công, và giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên, kéo theo lạm phát.
Trong những năm 1980-1986, giai đoạn cuối cùng của triều đại Marcos, GDP tăng trưởng âm ở mức -6%; tỷ lệ nợ trên tổng sản lượng quốc gia trên 90%; lạm phát hai con số; và tỷ lệ người nghèo hơn 50%. 10 năm sau chế độ Marcos, Philippines tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Khủng hoảng tài chính Á châu 1997. Phép lạ đưa Philippines trở thành Nam Hàn đã không diễn ra. Điều này cũng dập tắt tham vọng của Marcos biến Philippines trở thành một quyền lực ảnh hưởng ở Đông Á.
Ferdinand Marcos qua đời năm 1989. Trong những năm cuối đời sống lưu vong ở Hawai’i, Marcos và vợ Imelda tiếp tục cuộc sống xa hoa trong căn dinh thự sát biển ở Kuliouou, Honolulu.
PS: Nếu có dịp đến Honolulu, Tú sẽ dẫn bạn đi thăm nhà Marcos.