Tương lai của crypto với vai trò tài sản dự trữ
Thời gian qua, một số quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, đặc biệt là Hoa Kỳ xem xét thành lập quỹ Dự Trữ Crypto (Strategic Bitcoin Reserve). Trong khi đó, một số quốc gia APAC như Singapore, và mới đây nhất là Cambodia cho phép một số định chế tài chính (cụ thể là ngân hàng thương mại, và công ty giải pháp thanh toán) cung cấp dịch vụ thanh toán liên quan đến tài sản tiền mã hóa, đặc biệt là stablecoins (USDT, USDC). Không dừng lại ở mức độ dịch vụ thanh toán, Indonesia và Ấn Độ hiện đang thử nghiệm với mô hình quản lý thị trường tài chính phi tập trung.
Mặc dù mỗi nước có phương pháp tiếp cận thị trường tiền mã hóa ở các mức độ khác nhau, xu hướng chung đều dẫn đến việc tiếp nhận crypto như là một dạng tài sản dự trữ. Bài của tôi chỉ tập vào tác động của xu hướng này với cán cân thương mại và chính sách vĩ mô.
Trong tin tức kinh tế hằng ngày, chúng ta thường hay nghe nói đến cụm từ "dự trữ ngoại hối." Thực tế, "dự trữ ngoại hối" chỉ là một bộ phận của "tài sản dự trữ (reserve assets)." Đây là điểm mà một số bạn sinh viên khi học về "Cán cân thanh toán quốc tế" dễ bối rồi nhầm lẫn.
Cụ thể là, nếu căn cứ Nghị Định 50/2014 về Quản lý Dự trữ Ngoại hối Nhà nước, thì Nghị định quy định "dự trữ ngoại hối" sẽ bao gồm:
1/ Ngoại tệ các loại (tiền mặt, tiền gửi ở nước ngoài)
2/ Chứng khoán và giấy tờ có giá
3/ Vàng
4/ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) và vị thế dự trữ tại IMF
5/ Các loại ngoại hối khác...
Vì vậy, định nghĩa "dự trữ ngoại hối" của Nghị định 50 sẽ bao hàm gần như 90% danh mục tài sản được định nghĩa là "tài sản dự trữ" theo quy định quốc tế về "Cán cân thanh toán và vị thế đầu tư quốc tế." Do đó, xét trong bối cảnh Việt Nam, cụm từ "dự trữ ngoại hối" và "tài sản dự trữ" tạm có thể sử dụng thay thế cho nhau.
Chức năng chính của tài sản dự trữ đó là điều tiết cân bằng thanh toán quốc tế thông qua hoạt động cung cấp hoặc hấp thụ thanh khoản. Tương tự tài khoản doanh nghiệp, tài sản dự trữ nhà nước có thể dùng làm thế chấp vay vốn, hoặc cũng có thể bị phong tỏa (như với trường hợp của Nga).
Điều thứ hai cần phân biệt là giữa "dự trữ ngoại hối/ tài sản dự trữ" và tổng tài sản quốc gia.
Nếu bạn gõ cửa 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội để hỏi cô Hồng SBV, thì cô Hồng chỉ có thể cung cấp tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam - tức là phần có tính thanh khoản nhất trong danh mục tài sản quốc gia. Dự trữ ngoại hối là thông tin công khai.
Còn nếu bạn muốn hỏi tổng tài sản dự trữ của quốc gia, thì chỉ có hai người bạn có thể hỏi: bác Chính Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nhưng đây là bí mật Nhà nước.
Tổng tài sản quốc gia bao gồm: đất đai, bất động sản khác do Nhà nước sở hữu, tài nguyên, quyền khai thác / hoạt động thương mại, vốn sở hữu Nhà nước... cũng có thể được sử dụng để cân đối các khoản nợ vay quốc tế. Chẳng hạn như Lào cho phép sở hữu của Trung Quốc trong các doanh nghiệp Nhà nước ở ngành điện lực. Sri Lanka cho phép doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động cảng biển theo hình thức thuê dài hạn (50-99 năm) và sở hữu cổ phần.
Điều thứ ba, một số tài sản có tính chất đặc biệt, thuộc quản lý của Nhà nước, nhưng không được xem là tài sản dự trữ. Ví dụ: Quỹ bảo hiểm xã hội. Mặc dù chúng ta thấy chính phủ các nước có thể sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội trong hoạt động đầu tư quốc tế, giống như là tài sản Nhà nước. Nhưng dưới phương diện kế toán, Quỹ BHXH thực chất là nghĩa vụ phải trả của Nhà nước đối với người dân. Do đó, theo quy định quốc tế, quỹ BHXH không được xem là tài sản dự trữ.
Sau khi hiểu bản chất và đặc điểm của tài sản dự trữ. Chúng ta quay lại vấn đề: Crypto với tư cách tài sản dự trữ.
Dưới dự thảo đạo luật BITCOIN Act of 2024 của Hoa Kỳ, chỉ đơn giản là chính phủ Hoa Kỳ sẽ mua vào 1,000,000 BTC trong thời gian 5 năm. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ nắm giữ lượng BTC này trong thời gian ít nhất 20 năm. Trong vòng ít nhất 20 năm này, Chính phủ sẽ không được bán, hoán đổi, đấu giá, thế chấp hoặc xử lý bất kỳ BTC nào, NGOẠI TRỪ dùng để trả nợ Chính phủ.
Do đó, chúng ta sẽ thấy 2 vấn đề:
1/ Bitcoin, dưới dự thảo luật này, không được xem là tài sản dự trữ mang tính thanh khoản cao, nó cũng không được sử dụng trong điều tiết cân bằng thương mại.
2/ Với quy mô nợ Chính phủ Hoa Kỳ hiện tại, tại giá danh nghĩa (36.11 nghìn tỷ USD), để có thể trả 1% nợ Chính phủ với 1,000,000 BTC thì giá mỗi BTC phải ít nhất là 400,000 USD / BTC.
Do đó, tác động của chính sách dự trữ BTC của Hoa Kỳ đối với cân bằng thương mại và cán cân tài khóa sẽ giống như "muối bỏ bể."
Thực ra, vai trò của BTC trong cân đối thương mại không lớn đối với Hoa Kỳ. Với vị thế chủ đạo của USD trong nền kinh tế toàn cầu, nước Mỹ hoàn toàn có thể ngay lập tức vay lại USD từ thế giới với mức lãi suất cho chính mình ấn định. Đây là đặc quyền mà chỉ có nước Mỹ mới có: "Con nợ quyết định giá của tiền, chứ không phải là chủ nợ."
Một lí do khác: Dự trữ BTC không quan trọng bằng chiến lược sử dụng stablecoins để duy trì vị thế của đồng USD trong tương lai.
Tuy nhiên, đối với các nước như Việt Nam, việc chấp nhận crypto (cụ thể là nhóm stablecoins) như là tài sản dự trữ sẽ có một số lợi ích.
Về mặt cân đối thương mại: Việt Nam ta ghi nhận thặng dư lớn với Mỹ, nhưng thâm hụt lớn với Trung Quốc. Hầu hết hợp đồng thương mại Việt Nam - Trung Quốc được ký kết thanh toán bằng USD (thay vì Nhân dân tệ). Do đó dẫn đến tình trạng, tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá lớn (chiếm 50-60%), trong khi tỷ trọng Nhân dân tệ chỉ có 2-3%, thấp hơn cả JPY.
Việc chấp nhận stablecoins (neo giá vào EUR, USD) sẽ góp phần tăng cường khả năng tích luỹ ngoại hối, cải thiện năng lực điều tiết cán cân thương mại. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính phi tập trung, đây cũng là biện pháp thu hút vốn nước ngoài.
Vướng mắc lớn nhất hiện tại là việc IMF, BIS, WB vẫn chưa công nhận stablecoins là một dạng tài sản dự trữ. Tuy nhiên, quy định về thị trường tài sản tiền mã hóa (MiCA) của Hội đồng châu Âu từ 2023 sẽ là một tín hiệu tích cực cho thấy mức độ công nhận cao hơn trong tương lai đối với các loại tiền mã hóa có thể hài hòa giữa tính phi tập trung và tính tuân thủ quy định chính phủ.
References
Fee, W. (2024, October 23). Japan maintains cautious stance on crypto ETFs. @FinancialTimes; Financial Times. https://www.ft.com/content/499131cf-4a75-48fb-b7d3-1c10cd40311c
Jazeera, A. (2024, December 16). Bitcoin surges past $107,000 on hopes for US strategic reserve. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/economy/2024/12/16/bitcoin-surges-past-107000-on-hopes-for-us-strategic-reserve
MAS Finalises Stablecoin Regulatory Framework. (n.d.). Www.mas.gov.sg. https://www.mas.gov.sg/news/media-releases/2023/mas-finalises-stablecoin-regulatory-framework
R-WY, C. M. (2023). All Info - S.4912 - 118th Congress (2023-2024): BITCOIN Act of 2024. Congress.gov. https://www.congress.gov/bill/118th-congress/senate-bill/4912/all-info
Ratana. (2024, December 27). Cambodia’s NBC approves Stablecoins and Backed Coins, but excludes Bitcoin - Khmer Times. Khmer Times - Insight into Cambodia. https://www.khmertimeskh.com/501615291/cambodias-nbc-approves-stablecoins-and-backed-coins-but-excludes-bitcoin/
Reuters Staff. (2024, September 11). India leads in crypto adoption for second straight year, report shows. Reuters. https://www.reuters.com/technology/india-leads-crypto-adoption-second-straight-year-report-shows-2024-09-11/
Thompsett, L. (2024, October 17). Chainalysis: APAC Leads Crypto Adoption, India and Indonesia Top List. Fintechmagazine.com; Bizclik Media Ltd. https://fintechmagazine.com/articles/asia-pacific-emerges-as-crypto-adoption-hotspot
Yeon-woo, L. (2024, December 19). National Bitcoin strategies to shape global competition by 2025: Korbit. The Korea Times; The koreatimes Times. https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2024/12/602_388810.html