Về vấn đề Hoa Kỳ tiếp tục phân loại Việt Nam là "nền kinh tế phi thị trường"
Làm rõ bản chất và bối cảnh xung quanh sự kiện
Về sự kiện hôm 2/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục phân loại Việt Nam là "nền kinh tế phi thị trường (FT, 2024)." Công bố này diễn ra tại khoảng thời gian gần một năm kể từ Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vào tháng 9/2023.
Xung quanh sự kiện này, một số quan điểm cho rằng đây là một thất bại ngoại giao của Việt Nam, hoặc sẽ gây tổn hại cho quan hệ Việt - Mỹ (Thùy Linh - Vnbusiness, 2024). Xin phép trích dẫn lại một phần bài viết, như sau:
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Dũng, đã phát biểu vào đầu năm nay rằng nếu Washington không cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường, "sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước".
Bà Nguyễn Thụy Anh, chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản Dragon Capital, cho biết thất bại này sẽ khiến Hà Nội thất vọng và là điều đáng ngạc nhiên khi xét đến "sự quan tâm nồng nhiệt của Washington đối với Việt Nam trong những năm gần đây, các chuyến thăm cấp cao và những lời lẽ hoa mỹ đi kèm".
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là những nhận định thiếu căn cứ, không thực sự hiểu rõ bản chất và bối cảnh thế giới hiện tại vẫn chưa phù hợp.
Trước công bố hôm 2/8, một số báo cáo phân tích vĩ mô cũng đã đưa ra nhận định "lạc quan ảo tưởng" rằng Hoa Kỳ sẽ chấp nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Đối với những ai theo dõi Facebook story của tôi về quan hệ thương mại Việt - Mỹ, thì ngay từ tháng 9 năm ngoái, tôi đã nhận định rằng: Khả năng Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là rất thấp. Vào cuối tháng 3 năm nay, tôi cũng đã phân tích rất nhiều lí do mà Việt Nam chưa thể đáp ứng được tiêu chuẩn đánh giá của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Khả năng Hoa Kỳ từ chối là 80-90% ngay từ khi Việt Nam đệ đơn xem xét. Kết quả này không có gì bất giờ.
Điều bất ngờ ở đây chỉ là: Tại thời điểm tháng 3/2024, tôi có lập luận rằng khả năng cao Chính quyền Biden sẽ đá quả bóng trách nhiệm xem xét trường hợp của Việt Nam này cho chính quyền sau kỳ bầu cử; lí do bởi vì quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Biden khá là suôn sẻ, nồng ấm; việc công bố như vậy sẽ không để lại ấn tượng tốt đẹp trong một chương quan hệ mới của cả hai nước.
Để hiểu bản chất lí do vì sao Hoa Kỳ từ chối công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì tôi đăng lại nội dung Facebook story đã phân tích ngày 25/03/2024.
Lí do thứ nhất, quan điểm của Hoa Kỳ khi đánh giá các vấn đề thương mại, cụ thể là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ dựa trên nguyên tắc: "Xem xét thực trạng, không xem xét quá trình." Nghĩa là, Việt Nam cải cách nhanh hay chậm, tích cực hay không, tiến bộ như nào. Họ không mấy quan tâm. Họ chỉ quan tâm đến kết quả hiện tại.
Nguyên tắc này, các bạn sinh viên nào học ngành Kinh tế Thương Mại hoặc Kinh tế Quốc tế, nếu giảng viên có kinh nghiệm với thị trường Hoa Kỳ thì sẽ luôn nhắc về nguyên tắc này.
Lí do thứ hai, đối với các nền kinh tế tương đương, Việt Nam vẫn chưa thỏa mãn các tiêu chí để được công nhận.
Cụ thể, Hoa Kỳ sẽ đánh giá: so với các quốc gia có đặc điểm tương đồng về quy mô thị trường, đặc tính xã hội, thể chế (như Indonesia, Philippines, hay Sri Lanka).
Ngoài ra, nền kinh tế của Việt Nam cũng có nhiều đặc trưng về pháp luật về kinh tế tương tự Trung Quốc - cũng là một nền kinh tế mà Hoa Kỳ vẫn coi là phi thị trường. Do đó, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường tại thời điểm hiện nay, Trung Quốc sẽ đáp trả cực kỳ gay gắt. Việc này sẽ làm cho quan hệ ba nước Việt Nam - Hoa Kỳ - Trung Quốc rơi vào trạng thái căng thẳng hơn. Nếu một cuộc chiến tranh thương mại ủy nhiệm (proxy trade war) diễn ra giữa Trung - Mỹ, Việt Nam sẽ tổn thất lớn vì thế kẹt ở giữa.
Lí do thứ ba, vẫn tồn tại các yếu tố quan trọng của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá của Hoa Kỳ trong thời gian ngắn, ví dụ như:
- Tính tự do chuyển đổi của đồng Việt Nam (VND) còn thấp, tài khoản vốn vẫn được kiểm soát chặt chẽ;
- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ngành tài chính - ngân hàng còn thấp;
- Tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước (SBV);
- Các điều khoản trong Luật đầu tư và vấn đề Cải cách doanh nghiệp Nhà nước;
Lí do cuối cùng, Việt Nam hiện đang vướng vào một số vấn đề liên quan đến vấn đề bán phá giá các mặt hàng như cá da trơn, tôm, gỗ và đồ mộc, thép, và mật ong. Áp lực chính trị từ phía các Hiệp hội ngành nghề này lên Chính phủ Hoa Kỳ cũng rất lớn; họ không muốn Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường để hưởng mức thuế suất thấp và các ưu đãi thương mại khác.
Từ góc độ Việt Nam, kết luận này của Hoa Kỳ cũng không có gì là bất ngờ, và hoàn toàn nằm trong dự tính. Các tiêu chí đánh giá của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đều được công khai rõ ràng. Việc Việt Nam đệ đơn xem xét trong thời điểm này thực ra chả có gì là bất hợp lí cả, bởi vì sau kỳ Bầu cử Tổng thống 2024, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ sẽ càng gia tăng nếu Donald Trump thắng cử, khi đó, việc công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn gấp bội.
Tóm lại, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường không có gì là bất ngờ, đáng ngạc nhiên ở đây cả. Quyết định này cũng không ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ Việt - Mỹ vì các lí do cả khách quan lẫn chủ quan như tôi đã nêu.
References
FT. (2024, August 3). US rejects Vietnam’s bid for “market economy” status in blow to trade ties. https://www.ft.com/content/d423733c-e6f0-4196-98e3-df59535f6030
Thùy Linh. (2024, August 3). Vì sao Hoa Kỳ vẫn tiếp tục không thừa nhận “nền kinh tế thị trường” của Việt Nam. Vnbusiness. https://vnbusiness.vn/the-gioi/vi-sao-hoa-ky-van-tiep-tuc-khong-thua-nhan-nen-kinh-te-thi-truong-cua-viet-nam-1101464.html