Megan Thee Stallion tốt nghiệp cử nhân Khoa học ngành Quản trị Dịch vụ Sức Khỏe/Y tế; Lil Wayne có bằng tâm lý học từ University of Houston; Ryan Leslie tốt nghiệp Harvard; J.Cole tốt nghiệp cử nhân hạng magna cum laude; Childish Gambino tốt nghiệp cử nhân NYU... Trong nền giải trí Hoa Kỳ, không hiếm nghệ sĩ rap/hip-hop tốt nghiệp đại học; trong số đó có người tiếp tục học thành thạc sĩ, tiến sĩ.
Mỗi khi có nghệ sĩ rap/hip-hop nào tốt nghiệp đại học, giới truyền thông đều đưa tin rộng rãi. Nghĩa là ngay cả ở đất nước đề cao chủ nghĩa thực dụng, tự do cá nhân như Mỹ nói chung, và Hollywood nói riêng, trình độ giáo dục và bằng cấp vẫn được xã hội coi trọng.
Cũng như bất kỳ môi trường giáo dục sự nghiệp nào, nếu bạn bước chân vào một ngôi trường nghệ thuật để trở thành một nghệ sĩ. Điều mà các trường điện ảnh, trường nhạc dạy bạn trước tiên cũng không phải là phát triển khả năng thẩm mỹ nghệ thuật; mà là: Bạn phải học làm NGƯỜI, trước khi trở thành một NGƯỜI Nghệ Sĩ.
Tôi cũng có mấy ông anh xã hội thành đạt, cũng chủ doanh nghiệp, hay lên mạng phát biểu, "bằng đại học chả là cái mẹ gì", "bằng đại học không quan trọng..." Nhưng khi người nhà ốm đau bệnh tật, họ luôn tìm đến bác sĩ giỏi, những người có chuyên môn cao. Con cái họ đi du học, họ gửi hồ sơ nhờ tôi tư vấn, học bang nào, trường nào, định hướng sự nghiệp tương lai ra sao. Trong cuộc sống, họ thích nói chuyện và lắng nghe tư duy từ những người học vấn cao. Tuyển nhân viên thì cũng nhắn nhủ nhờ giới thiệu giúp bạn sinh viên nào thật thà, học khá.
Nên là, tôi mà thấy mấy ông đấy phát biểu gì về giáo dục đại học, là tôi lại cười mỉm chi. Bởi vì tôi biết đó chỉ là quan điểm thể hiện hoàn cảnh cá nhân, hoặc từ những bức xúc về thực trạng nền giáo dục hiện tại, nên đôi khi có những nhận định phiến diện.
Khổng Tử từng nói đại để: Người hiểu biết thì không bối rối, người hiền nhân thì không lo lắng, người dũng cảm thì không sợ hãi.
Chúng ta đang sống trong thời đại chuyển giao, tồn tại nhiều bất định. Các quốc gia từ Âu sang Á, từ nước giàu đến nước nghèo, đang trải qua quá trình chuyển đổi công nghiệp và cơ cấu kinh tế. Xu hướng này, cùng các giải pháp công nghệ mới, tạo ra sự biến động lớn về thị trường lao động; dẫn đến một số ngành nghề trở nên lỗi thời, những lĩnh vực mới thiếu hụt nghiêm trọng về số lượng và chất lượng lao động.
Ở một số quốc gia, hệ thống giáo dục đại học chưa thích nghi kịp thời với sự biến đổi mau chóng này. Và như chúng ta đã thấy, tình trạng thất nghiệp trẻ không chỉ là nỗi đau đầu của Trung Quốc, mà nó còn là vấn đề chung của mọi quốc gia. Những người trẻ phải xoay xở trong cái gọi là "competitive struggle."
Không ngạc nhiên rằng, trong hoàn cảnh đó, thái độ xã hội trở nên hoài nghi với giá trị của giáo dục đại học.
Tôi từng nói với sinh viên, "học đại học tương tự một sự bảo hiểm cho tương lai." Bạn vẫn có thể thành công mà không cần có bằng đại học. Cũng giống như bạn phóng xe bạt mạng trên đường mà không đội mũ bảo hiểm, bạn vẫn có thể về tới nhà an toàn. Nhưng cũng có người khác lại không may mắn như thế.
Nhóm người có thể tạo ra sự đột phá cá nhân, thay đổi vận mệnh xã hội luôn là thiểu số. Lợi ích và thế giới quan của họ cũng không đại diện cho lợi ích và thế giới quan của đa số. Vấn đề là con người thường hay tự đánh giá quá cao năng lực bản thân mình. Nếu hoàn cảnh và điều kiện chưa cho phép bạn tạo ra sự đột phá cá nhân, thì vẫn còn con đường tích lũy và trau dồi tri thức, phát triển mối quan hệ xã hội ở giảng đường.
Một thống kê của Fortune vào năm 2015 cho thấy khoảng 30% tỷ phú toàn cầu không có bằng đại học. Nghĩa là, 70% còn lại đã tốt nghiệp ít nhất ở bậc cử nhân. Trong danh sách Fortune 500 CEOs, chỉ có 7-8 người không có bằng đại học. 75% trong số 20 CEOs hàng đầu của danh sách Fortune 500 đã nhận bằng MBA hoặc bằng sau đại học khác, tuy nhiên một số cũng đã quay lại giảng đường tiếp tục nâng cao trình độ, sau khi đã đạt được một số thành công trong sự nghiệp.
Vì vậy, giáo dục đại học vẫn cực kỳ quan trọng trong sự phát triển cá nhân.
Nhưng giáo dục đại học không chỉ là ý nghĩa tạo ra thu nhập cao, tạo ra bao nhiêu tỷ phú,.
Lương Khải Siêu từng nói: Giá trị của giáo dục đại học là cung cấp những phương tiện cần thiết để "làm người." Toán học, tâm lý học, sử học, ngoại ngữ, triết học, văn học, khoa học tự nhiên, chính trị học, luật học, kinh tế học, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại... là những phương tiện đó. Đây là những kiến thức chuyên môn phát triển sự nghiệp.
Không chỉ vậy, học đại học sẽ cung cấp cho bạn nền tảng phát triển trí tuệ tổng thể. Học đại học giống như là một quá trình rèn luyện suy nghĩ trở nên thực tế, tinh tế, và thấu đáo. Để rằng chúng ta có thể quan sát sự vận động của thế giới một cách bình tĩnh và rõ ràng. Đúng với tinh thần câu nói của Khổng Tử: "Người hiểu biết thì không bối rối." Đó là tính khai phóng trong giáo dục đại học.
Ở cấp độ quốc gia, giáo dục đại học không chỉ là chiếc nôi nuôi dưỡng nguồn lực tương lai của xã hội. Giáo sư Khâu Dũng, hiệu trưởng đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học danh giá của Trung Quốc nhận định: "Giá trị quan trọng của một trường đại học nằm ở việc kế thừa văn hóa và định hình tương lai." Đây là những giá trị mà du học sinh Việt Nam khi bước ra trải nghiệm môi trường giáo dục toàn cầu đều sẽ cảm nhận rất rõ ràng.
Giáo dục đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công cá nhân. Điều này đúng. Nhưng nó vẫn là con đường rất quan trọng, nhất là đối với mục tiêu giảm bất bình đẳng về thu nhập và trình độ văn hóa giữa các tầng lớp xã hội.
References
A professor has tracked the colleges of Fortune 500 CEOs for 20 years. He was stunned to learn Ivy Leagues don’t matter that much. (n.d.). Fortune. https://fortune.com/2023/06/14/fortune-500-ceo-colleges-ivy-league/
梁启超谈大学教育. (2024). 简书. https://www.jianshu.com/p/b5f6b0f07a20
清华大学校长邱勇:大学的重要价值在于传承文化塑造未来_教育. (2020, July 7). Sohu.com. https://m.sohu.com/a/406149621_120123721
Shen, L. (2016, August 8). You’d Be Surprised How Many Billionaires Don’t Have a College Degree. Fortune; Fortune. https://fortune.com/2016/08/08/billionaires-no-degree/
Giờ ai cứ bảo không cần học đại học thì mềnh sẽ gửi họ xem bài này hí hí