APEC 2017: Trump - Tập, Hai tầm nhìn về thương mại toàn cầu
Quay lại 7 năm trước, khi ngồi nghe hai cụ Donald Trump và Tập Cận Bình phát biểu. Vẫn là Donald Trump như chúng ta vẫn biết, vấn đề là cục diện thế giới đã khác 7 năm trước rất nhiều.
(Bài viết gốc đăng ngày 10 tháng 11, 2017 khi tôi phải bỏ ngang buổi tham dự phiên nói chuyện của Sheryl Sandberg, để tham gia tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, sau đó phải quay ngược trở lại để kịp phiên phát biểu của Donald Trump và Tập Cận Bình)1
Kể từ sau hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh, chưa bao giờ thế giới lại có sự phân hoá rõ rệt về ảnh hưởng địa chính trị như ngày nay. Đa cực, đa phương hóa là xu hướng không thể đảo ngược của chính trị toàn cầu. Tại APEC ‘17, đó là sự phô diễn về tầm nhìn của hai siêu cường chính trị, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và, tôi sẽ cố gắng khách quan nhất có thể khi bình luận về hai tầm nhìn này.
SỰ CÁO CHUNG CỦA WTO
Điểm chung nhất của cả hai đó là ám chỉ về sự cáo chung vai trò của WTO trong nền kinh tế toàn cầu.
Donald Trump trực tiếp khẳng định sự bất lực của WTO khi mà các nền kinh tế thành viên không “chơi theo luật chung.” Tập Cận Bình gián tiếp phủ định vai trò của WTO bằng cách trực tiếp khẳng định vị thế tương lai của Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới về toàn cầu hoá và thương mại tự do.
TẦM NHÌN CỦA TRUMP
Về thương mại toàn cầu: khác với các quan điểm phổ thông, cá nhân tôi cho rằng, sẽ là phiến diện khi gọi chính sách của Trump là “protectionism.” Thực tế, quan điểm của ông lại tiệm cận hơn với tư tưởng neoconservatism, đã từng bành trước dưới thời của George W. Bush.
Thứ nhất, “free trade” được thay thế bằng “fair trade.” Định nghĩa về sự công bằng, bình đẳng tất nhiên là theo phải theo luật chơi của Mỹ.
Thứ hai, Hoa Kỳ chỉ tìm kiếm đối tác mạnh, láng giềng mạnh. Đồng nghĩa với việc: Các quốc gia nhỏ, muốn chơi với Mỹ, phải xác định rõ lợi thế tương đối của mình trước Mỹ.
Thứ ba, động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu phải bằng nội lực của khối kinh tế tư nhân, giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước. Đây là luận điểm rất cổ điển của tư tưởng Cộng hoà.
Thứ tư, đó là đặc tính không thoả hiệp. Với Trump, an ninh kinh tế đồng nghĩa với an ninh quốc gia. Cũng như lựa chọn đối tác chiến lược thì phải nghĩ như Mỹ và hành động như Mỹ, không chỉ về thương mại mà còn các mục tiêu khác như chống khủng bố Hồi giáo cực đoan và bảo vệ tự do hàng hải.
Khẳng định cho tầm nhìn của mình, Trump “cảnh cáo” cộng đồng APEC rằng ông và Tập đã được một thoả hiệp (nhưng cụ thể về điều gì thì chúng ta không rõ), và rằng các quốc gia không còn cách nào khác phải “put your country first” như Trump với thông điệp “put America first.” Cá nhân tôi nhận thấy thông điệp này chỉ hay về khẩu hiệu, nhưng tính thực tế thì còn phải bàn (đọc phần “Tính thực tiễn của cam kết” ở dưới).
TẦM NHÌN CỦA TẬP CẬN BÌNH
Cách hành văn của Tập về toàn cầu hoá làm mình nhớ đến Obama, nhưng ở một mức độ tham vọng hơn, mãnh liệt hơn.
Thứ nhất, Tại sao lại gợi nhớ đến Obama? Vì tư tưởng kinh tế hiện đại của Trung Quốc có thể nói là tương đồng với tư duy neoliberalism dưới các thời tổng thống dân chủ ở Hoa Kỳ trong thời đại toàn cầu hóa.
Thứ hai, tại sao lại tham vọng hơn? Đối với Tập, toàn cầu hoá và thương mại tự do là xu hướng không thể đảo ngược, khẳng định cam kết của chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập liên kết với các quốc gia trong vùng. Thông qua đa phương hoá, các thoả thuận thương mại và sự phân chia lao động quốc tế, Trung Quốc chào đón mọi đối tác bất kể lớn nhỏ. Cam kết chào đón các đối tác quốc tế vào các khu vực kinh tế tự do, các trung tâm kinh tế tài chính trên lãnh thổ Trung Quốc.
Thứ ba, đối với Trung Quốc, không có khái niệm “national security” mà là khái niệm “universal security.” Điển hình là đa phương hóa vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Và vì lẽ đó, chúng ta hiểu được vì sao Việt Nam bị cô lập trong vấn đề biển Đông khi thiếu một tiếng nói chung có tính chất ảnh hưởng.
Thứ tư, có lẽ chưa bao giờ, chúng ta thấy Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mặt trái của toàn cầu hoá đến đời sống xã hội, năng lượng sạch đến như vậy. Mà trong bài phát biểu của Trump, tôi không hề nghe thấy.
TÍNH THỰC TIỄN CỦA HAI CAM KẾT
Trong bài phát biểu của mình, Trump có gợi nhắc đến vị Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ, John Adams. Và có lẽ là một liên hệ hợp lí khi mà John Adams cũng là một nhà lãnh đạo mà chính sách đối nội lẫn ngoại giao của ông đều có sự tác động chặt chẽ qua lại thuộc hàng bậc nhất trong lịch sử các đời tổng thống Hoa Kỳ.
Đối với Trump, chúng ta cũng có thể dễ nhận thấy điều đó. Tuy nhiên, với sự phân hoá chính trị và tư tưởng nhân dân ở Hoa Kỳ như hiện nay, tác động của chính sách của Trump lên nền kinh tế toàn cầu vẫn còn là dấu chấm hỏi to lớn.
Tuy nhiên, cú ra đòn mạnh mẽ nhất của Tập Cận Bình lại chính là lời tuyên bố thuyết phục nhất trước cộng đồng APEC: Tầm nhìn tương lai của Tập Cận Bình về vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã nhận được 100% sự ủng hộ tại Đại hội ĐCS Trung Quốc tháng 10 vừa qua, đồng nghĩa với sự thống nhất tuyệt đối và cao độ. Đây là điều mà Trump hiện nay chưa thể đạt được trong nội bộ chính quyền và nhân dân Mỹ.
Thông qua cam kết xuất nhập khẩu, và phát triển FDI ra nước ngoài, Trung Quốc tiếp tục hào phóng phát “kẹo hồ lô” cho các quốc gia. Chúng ta có thể thấy rằng chiến lược của Trung Quốc rất rõ ràng: Thông qua toàn cầu hoá để tăng cường tính mật thiết và liên kết hoá các thành viên, biến các quốc gia nhỏ không chỉ dưới bầu ảnh hưởng của Trung Quốc, mà còn là trở thành mắt xích kinh tế chính trị không thể tách rời.
Và vì vậy, lời hứa của Trump chưa bao giờ trở nên mơ hồ hơn thế.
Mô hình của thương mại toàn cầu, cho dù là thương mại tự do hay chủ nghĩa bảo hộ, là xu hướng tất yếu hay không, thì nó vẫn là công cụ của các quyền lực lớn để chi phối ảnh hưởng thế giới.