Những lá cờ
I/ QUAN ĐIỂM CỦA HOA KỲ
Tại Hoa Kỳ, bao gồm California, hiện có khoảng 20 tiểu bang công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ một cách chính thức về mặt lập pháp.
Nghĩa là, tại các sự kiện do chính quyền tài trợ, không gian công cộng, cơ sở công quyền (như cơ quan hành chính, trường học...) thì việc thể hiện, trưng bày lá cờ vàng ba sọc đỏ là hợp pháp theo pháp luật của tiểu bang đó1. Chứ không chỉ các sự kiện do tư nhân tổ chức.
Kể từ 2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã có văn bản đề xuất công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng chính thức của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ (H.Res.560 - 118th Congress (2023-2024))2.
Bản chất của sự công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ của các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang Hoa Kỳ là gì? Hành động này có phủ định quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay không? Có phủ định sự công nhận của Hoa Kỳ về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?
Hoàn toàn không.
Hành động này là sự ghi nhận lịch sử đóng góp của cộng đồng người Việt Nam nhập cư, trong đó có những nhóm người có lịch sử từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũ, vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tiểu bang.
Từ quan điểm của chính phủ Mỹ, ý nghĩa của lá cờ vàng ba sọc đỏ, trong thời đại ngày nay, chỉ là sự đại diện cho văn hóa và di sản của cộng đồng người Mỹ gốc Việt (the Vietnamese-American Heritage Flag). Lá cờ này không phải là sự đại diện cho tính chính danh của một chế độ nào, hay một ý chí chính trị nào.
Chỉ có lá cờ đỏ sao vàng mới được Hoa Kỳ và quốc tế ghi nhận là quốc kỳ chính thức của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với người Mỹ gốc Việt, họ cũng chỉ tuyên thệ nhập quốc tịch Hoa Kỳ trước lá cờ sọc sao (quốc kỳ Mỹ).
Việc một số thành phần người Việt hải ngoại cho rằng lá cờ vàng ba sọc đỏ là "biểu tượng chính nghĩa", hay "đại diện chế độ" cũng chỉ là quan điểm cá nhân; không phải là quan điểm đại diện toàn thể của người Việt trên lãnh thổ Hoa Kỳ, cũng không phải là quan điểm của chính phủ Mỹ.
Hình ảnh một người Việt xuất hiện cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ, do đó, không thể được xem là căn cứ quy kết một thái độ hay quan điểm chính trị nào đó.
II/ QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta xem người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã được nêu rõ tại chỉ thị 45 (2015) của Bộ Chính trị3. Nghị quyết 36/2004 của Bộ Chính trị cũng đã khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”4
Vì vậy, quan điểm của Hoa Kỳ về lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng không đi ngược lại quan điểm và lợi ích của Việt Nam.
Việc các phần tử chauvinist, cực đoan, chụp mũ, gán ghép bất cứ ai đứng cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ là hành vi phản động; thoạt tưởng đó là thể hiện quan điểm yêu nước, nhưng thực tế có thể coi là một dạng thức chống phá Nhà nước cực kỳ tinh vi.
Thứ nhất, hành vi này phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân, trái với tinh thần của Bộ Chính trị; đi ngược lại truyền thống khoan dung, nhân đạo, xóa bỏ định kiến của người Việt Nam.
Thứ hai, hành vi này tạo ra sự hoang mang, chia rẽ, nghi kỵ lẫn nhau trong xã hội; ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thương, trao đổi văn hóa giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại; ngăn cản tiến trình hòa hợp dân tộc.
Thứ ba, hành vi tấn công thiếu căn cứ này có thể xem là đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật, lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm đến lợi ích quốc gia. Hành vi "chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thì đã có quy định cụ thể ở điều 88 và 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ tư, cuộc tấn công cực đoan nhằm vào những cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực vào việc xây dựng quan hệ Việt - Mỹ bằng cách quy kết họ "phản động, chống phá" diễn ra vào thời điểm quan trọng: Kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ thương mại Việt - Mỹ, và hai nước vừa chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 9/2023. Đây có thể coi là một động thái có chủ đích nhằm phá hoại quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Quan hệ Việt - Mỹ tổn thương thì ai có lợi nhất? Không khó để chỉ ra điều đó.
Thoạt nhìn tưởng là yêu nước, nhưng thực tế lại chẳng yêu nước tí nào.
LA Rev Stat § 49:153.3 (2023) - 2023 Louisiana Laws Revised Statutes Title 49 - State Administration §49:153.3. Display of the flag of the Republic of Vietnam
H.Res.560 - 118th Congress (2023-2024): Recognizing the Vietnamese Heritage and Freedom Flag as the official symbol of the Vietnamese-American community in the United States. (2023, June 27). https://www.congress.gov/bill/118th-congress/house-resolution/560
Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-45-cttw-ngay-1952015-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-tiep-tuc-day-manh-thuc-hien-nghi-quyet-so-36-nqtw-cua-bo-chinh-168
Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-36nq-tw-ngay-2632004-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-doi-voi-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-2102